IF Vietnam Staff Blog

Làng đá mỹ nghệ Non Nước

   

Chào mọi người! Tôi là Dương.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn từ lâu được mọi người biết đến như một biểu tượng du lịch của Đà Nẵng, hằng năm có rất nhiều du khách đến thăm quan. Có rất nhiều du khách đến đây khi được hỏi họ vẫn muốn trở lại đây nhiều lần nữa, có lẽ với họ nơi đây có rất nhiều điều thu hút và chắc chắn một trong số đó là những sản phẩm mỹ nghệ được điêu khắc rất tinh sảo từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Hôm nay tôi tin giới thiệu với mọi người về làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước- Ngũ Hành Sơn được những người thợ đá đầu tiên từ Thanh Hóa đến địa bàn thôn Khái Đông - Non Nước mở đất, khai thôn, lập ấp sinh sống. Trong quá trình mưu sinh, họ đã lấy đá sẵn có từ núi để đục đẽo thành vật dụng thô sơ phục vụ cho cuộc sống hằng ngày gồm những hòn chì đá dùng để buộc neo tàu thuyền, các loại cối giã gạo, xay bột, tiếp đó là những sản phẩm điêu khắc bia mộ, đặc biệt là những chế tác Rồng, Phượng, Rùa, phục vụ cho trang trí tại các Chùa chiền, Miếu mạo, Lăng tẩm, cung đình. Những sản phẩm điêu khắc đá truyền nghề và phát triển qua nhiều đời, dần đi vào đời sống tinh thần, phản ảnh nền văn hoá truyền thống của một vùng dân cư với nghề điêu khắc đa mỹ nghệ, từ đó truyền nghề cho nhau và hình thành nên làng đá ngày nay. Vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ ở làng nghề đá Non Nước được thực hiện ở đền thờ “ Thạch Nghệ Tổ Sư”, đây còn là dịp để các nghệ nhân, các thợ điêu khắc, các cơ sở sản xuất và kinh doanh đá của làng nghề có dịp gặp gỡ giao lưu trao đổi kinh nghiệm, vừa tri ân và tưởng nhớ đến bậc tiền bối đã có công khai phá và tạo dựng nên làng nghề truyền thống.

1Nguồn ảnh: Tuấn Dương

Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay được chế tác từ nhiều nguồn nguyên liệu khắp nơi  trong và ngoài nước rất phong phú về màu sắc và đa dạng về chủng loại. Từ đó, các nghệ nhân và thợ điêu khắc đã lựa chọn và thực hiện các tác phẩm hoàn hảo hơn, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm như: tượng Phật, tượng nghệ thuật với chất liệu đá trắng; tượng sư tử, lân, rồng, phượng… thường chọn đá màu trơn hoặc có vân; đá sa thạch thường dùng để tạc tượng vũ nữ Chăm và một số đá quý khác dùng để tạc bàn ghế, trang sức, tách trà… các cơ sở sản xuất từ nhiều năm trước đã đặt mua đá ở các tỉnh phía Bắc,  5 năm trở lại đây, làng đá nhập các loại đá quý ở Ấn Độ, Pakistan về làm nguyên liệu sản xuất, duy trì công việc để làng nghề không bị mai một.

2Nguồn:Tuấn Dương

Làng nghề đá Non Nước hiện có hơn 500 hộ sản xuất và kinh doanh đá, thu hút gần 3.000 thợ và nghệ nhân, trong đó có những gia đình đã theo nghề trên ba thế hệ. Dưới thời vua Tự Đức, các nghệ nhân của làng đã được vua triệu về kinh đô Thuận Hóa tham gia việc điêu khắc đá ở các cung điện, lăng tẩm. Hiện nay, làng đá có rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng bởi sự tài hoa và đạt trình độ nghệ thuật cao trong tác phẩm điêu khắc đá của mình như: Lê Bền, Nguyễn Việt Minh, Nguyễn Long Bửu… Nhiều nghệ nhân điêu khắc của làng còn được mời tham gia chế tác trong quá trình xây dựng nhiều chùa chiền nổi tiếng trong cả nước, gần đây nhất là chùa Bái Đính (Ninh Bình).

3Nguồn: Tuấn Dương

Ban đầu kỹ thuật chế tác đá Non Nước - Ngũ Hành Sơn chỉ được đào tạo theo kiểu truyền nghề và chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và trí nhớ. Nhưng dần dần về sau, do nhu cầu phát triển nhiều nghệ nhân đã mở các lớp đào tạo tại chỗ và có những người đã cho con cái theo học các trường đại học mỹ thuật trong nước. Ngày nay nhiều nghệ sĩ đã chuyên sâu sáng tác kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại. Hiện nay nghề điêu khắc đá Mỹ nghệ Non nước không chỉ nổi tiếng trong phạm vi quốc gia mà còn được nhiều nước trên thế giới và những người sành chơi đồ mỹ nghệ biết đến.

 

 - Địa điểm tham quan Đà Nẵng