IF Vietnam Staff Blog

Danh lam thắng cảnh ở Huế (phần 2)

   

Xin chào mọi người! Mình là Hạnh Hiếu.

Lần này mình xin tiếp tục phần 2 về một vài địa danh khác nổi tiếng ở vùng đất Cố Đô Huế.

Chùa Từ Hiếu

Đây là ngôi cổ tự độc đáo bậc nhất xứ Huế, nằm khuất trong một rừng thông, chùa được xây theo kiểu chữ khẩu (口), phía trước có một hồ bán nguyệt trồng sen và nuôi cá cảnh.

Tại sao chùa được mang tên là “Từ Hiếu”?

Năm 1843 chùa được một hòa thượng tên là Nhất Định đến đây khai sơn để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già, vị hòa thượng này đã từng mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, thường xuyên băng rừng lội bộ xuống cách đó hơn 5km để mua thịt cá về nấu cháo cho mẹ ăn nhằm mong mẹ già khỏi bệnh. Câu chuyện này đã được truyền đến tai vua Tự Đức và được vua rất cảm phục nên đã ban sắc cho tên chùa là "Sắc tứ Từ Hiếu tự“. Vậy là chùa được mang tên là “TỪ HIẾU” kể từ lúc đó.

Ngoài ra, ngôi chùa này cũng nổi tiếng là nơi chôn cất các quan Thái Giám của triều Nguyễn, đây có hẳn một nghĩa trang “độc nhất vô nhị” với hơn 20 ngôi mộ của các vị Thái Giám xưa.

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức hay còn gọi là Khiêm Lăng (謙陵), là một trong những công trình đẹp nhất của thế kỷ XIX, đây là nơi chôn cất của vị hoàng đế thứ 4 triều nhà Nguyễn tức vua Tự Đức, ông trị vì được 36 năm là vị vua ở ngôi lâu nhất của triều nhà Nguyễn.

8

9

Lăng Tự Đức có diện tích rộng khoảng 12hecta, trong một thung lũng hẹp thuộc xã Thủy Xuân, thành phố Huế, lăng có lối kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình, bao gồm gần 50 công trình ở cả hai khu vực tẩm điện, tất cả đều có chữ “Khiêm” trong tên gọi.

Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn, quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Đặc biệt, nơi đây có nhà hát Minh Khiêm để vua xem hát và hiện là một trong những nhà hát cổ nhất Việt Nam.

11

12

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định mặc dù có một diện tích rất khiêm tốn 117m x 48,5m nhưng cực kỳ công phu và tốn thời gian. Đây là nơi chôn cất vị vua thứ 12 của triều nhà Nguyễn tức là vua Khải Định.

Do có sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời lịch sử và cá tính của vị Vua này nên Lăng Khải Định không mang lối kiến trúc truyền thống mà có sự hòa hợp của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique….

Bên trong chính tẩm được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa... cũng được trang trí nơi đây. Có pho tượng vua Khải Định bằng đồng kích thước bằng người thật, được đúc tại Pháp vào năm 1920 theo yêu cầu của Khải Định.

Toàn bộ trang trí ở chính tẩm không chỉ phản ánh những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn đề cập đến vấn đề nhận thức, chủ đề tư tưởng của công trình và ý muốn của nhà vua.

13

15

16

Nguồn ảnh: Hiếu

 

 - Di tích lịch sử