IF Vietnam Staff Blog

Bánh chưng ngày Tết!!!

   

Xin chào tất cả mọi người !

Mình là Long đến từ team BirdieMobile của công ty IFV.

Lần trước mình đã gửi đến mọi người bài viết về chủ đề du lịch nên hôm nay, mình xin đổi gió bằng chủ đề các món ăn Việt Nam.

1Nguồn ảnh: Long

Không phải ngẫu nhiên mà mình lại chọn chủ đề về bánh chưng. Bởi vào thời điểm này, mọi người cũng đang rạo rực không khí Tết đang đến. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đón năm mới theo Dương lịch (lịch mặt trời) nhưng ở Việt Nam và một vài quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ... phong tục đón Tết cổ truyền lại dựa theo Âm lịch (lịch mặt trăng).

Ở Việt Nam, nhà nhà đều tất bật mua sắm, dọn nhà, bày mâm ngũ quả, … để chào đón năm mới. Và trong suốt những ngày lễ Tết, rất nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi như xông đất, mừng tuổi, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Một bầu không khí tươi mới bao trùm khắp trời đất, vạn vật và con người. Hòa vào hơi thở của đất trời, thật thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến một món ăn đã trở thành biểu tượng mỗi dịp xuân về - chính là bánh chưng.

Tuy nhiên, bạn có biết vì sao vào mỗi dịp Tết, người ta lại làm bánh chưng- bánh dày không ?

Lần này mình xin được giới thiệu về nguồn gốc của bánh chưng, bánh dày và vì sao nó lại món bánh truyền thống phổ biến, không thể vắng mặt trong những dịp Tết đến xuân về nhé.

Vì sao vào ngày Tết, người ta lại làm bánh chưng bánh giày

Tương truyền, bánh chưng được ra đời vào thời vua Hùng Vương thứ sáu. Sau khi đánh đuổi quân giặc, vua Hùng muốn lựa chọn một người trong số các vị hoàng tử để kế vị sau này. Nhân dịp đón năm mới, ngài đã cho mời các hoàng tử lại và truyền rằng : “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay đem trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi”.

Các hoàng tử đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp nơi. Duy chỉ có hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu, do mẹ mất sớm, không có người giúp đỡ nên không biết xoay sở ra sao.

Một hôm Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng hạt gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình đất trời."

Vừa bật dậy sau giấc mơ kỳ lạ, hoàng tử trẻ lập tức chọn gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và bắt tay vào thực hiện theo như lời giúp đỡ đó.

Cuối cùng, ngày quan trọng để dâng những sơn hào hải vị cúng tổ tiên cũng đã đến. Trong vô vàn những của ngon vật lạ mà các hoàng tử mang đến, nhà vua hết lời khen ngợi món bánh chưng (hình vuông ) và bánh dày (hình tròn) của Lang Liêu. Chàng kể lại với vua cha về giấc mơ hôm nọ của mình. Vua Hùng rất ưng ý nên đã quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu, sau đó chàng trở thành người thừa kế ngôi vị cao nhất của đất nước.

Mỗi khi Tết đến xuân về, mình và các thành viên trong gia đình đều sum họp bên nhau nấu bánh chưng đón năm mới.

Cách làm bánh chưng

Nguyên liệu chuẩn bị:
- Lá để gói: Lá dong (giống như lá chuối). Rửa sạch lá, để ráo nước nhưng đừng khô quá nhé. Sau đó chúng ta sẽ bỏ gân lá ở mặt trái của lá ( bên có màu nhạt hơn ).

- Lạt buộc: Bánh chưng thường dùng lạt giang được làm từ ống cây giang. Chọn những đốt giang dài từ 70-90 cm.

- Gạo nếp: Chọn loại ngon. Ngâm gạo ngập trong nước trong thời gian khoảng 10-12 giờ, sau đó vớt ra để ráo. Có thể xóc với muối sau khi ngâm gạo.

- Đậu xanh: Đậu xanh ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở ( Vì đậu sẽ nở to ra nên nhớ ngâm ngập nước nhé) đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo.

-Thịt: thường là thịt lợn ba chỉ với sự kết hợp của mỡ và nạc cho nhân bánh vị béo đậm đà, không khô bã như các loại thịt mông, thịt nạc thăn.
Thịt đem rửa để ráo, cắt thịt thành từng miếng cỡ từ 2,5 đến 3 cm sau đó ướp với hành tím xắt mỏng và muối, tiêu trong hai tiếng cho thịt thấm.

 

Cách làm:

- Gạo nếp chia thành bốn phần bằng nhau, một nửa đặt lên trên lá dong. Chỉnh ngay ngắn thành hình vuông có độ dày khoảng 1 cm. Tiếp theo, đặt một nửa phần đậu xanh đã chia làm 4 lên trên phần gạo nếp (cố gắng để đậu không bị tràn ra nhé các bạn).

- Tiếp tục xếp thịt và tiêu lên trên, cho nửa phần đậu xanh còn lại lên trên và ấn chặt.

- Cho phần gạo nếp lên trên và chỉnh sửa sao cho vuông vức, khớp với hai cạnh của trung tâm lá.

- Người nấu bánh thường canh giờ tính từ thời điểm nước sôi trong nồi và duy trì nước sôi liên tục trong 10 đến 12 giờ. Trong quá trình đun, thỉnh thoảng bổ sung thêm nước nóng để đảm bảo nước luôn ngập bánh.

- Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn và phẳng đều trong vài giờ. Hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được treo lên chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản.

- Vậy là hoàn thành rồi ! Chúng ta có thể bóc lá dong, cắt bánh thành tam giác và thưởng thức! (Vì được xem là vật may mắn nên thay vì dùng dao, người ta sẽ dùng dây để cắt bánh nhé).

 

Đến đây, mình xin kết thúc phần trình bày “Giới thiệu về bánh chưng”.

Xin tạm biệt và hẹn gặp lại mọi người trong những bài viết Staff Blog tiếp theo.

Cảm ơn tất cả mọi người đã dành thời gian đọc bài viết!

 

 - Ẩm thực Việt Nam